Trong các bài học trước, các bạn đã được làm quen với các loại chỉ báo “cổ điển” được tạo ra từ rất lâu đời. Bài này chúng ta sẽ học một loại chỉ báo hiện đại, khi mà tác giả của nó vẫn còn sống tới ngày nay, đó là Bollinger Bands.

Bollinger Bands là gì?

Bollinger Bands hay còn gọi là dải băng Bollinger được sáng tạo ra bởi John Bollinger vào năm 1980. Bollinger bands là một công cụ phân tích kỹ thuật kết hợp từ đường trung bình động (MA) và hai đường lệch chuẩn nằm trên và nằm dưới nó.

Hai đường trong Bollinger Bands được gọi là BB trên và BB dưới được tính toán từ đường MA ở giữa cộng/trừ đi một độ lệch chuẩn (Standard Deviation).

Bollinger Bands được tạo ra để giúp trader nhận biết khi nào là “giá cao” và khi nào là “giá thấp”, cũng như thị trường có rơi vào trạng thái quá mua hoặc quá bán hay không.

Bollinger Bands thuộc nhóm chỉ báo động lượng (momentum), cho biết thị trường đang dao động mạnh hay yếu, tương tự như kênh Keltner.

KIẾN THỨC CẦN NHỚ

  • Bollinger Bands là công cụ phân tích kỹ thuật được phát triển bởi John Bollinger để tạo ra tín hiệu quá mua và quá bán.
  • Bollinger Bands gồm 3 đường: đường trung bình động nằm ở giữa, và hai dải băng trên và dưới được tính toán từ độ lệch chuẩn.
  • Đường ở giữa thường là đường MA20, độ lệch tính toán cho hai dải băng trên dưới có thể điều chỉnh được.

Công Thức Tính Bollinger Bands

Ta cũng cần tìm hiểu sơ về công thức cấu tạo của Bollinger Bands để hiểu rõ hơn về chỉ báo này.

Đường MA giữa = MA(N)

Dải BB Trên = MA(N) + Kσ

Dải BB Dưới = MA(N) – Kσ

Trong đó:

  • N: chu kỳ của đường MA giữa, mặc định là MA20
  • K: Số lần độ lệch chuẩn, mặc định là 2.
  • σ: Sigma, độ lệch chuẩn (standard deviation) trong chu kỳ N ngày. σ có thể tính bằng công thức toán học có sẵn, với dữ liệu là biến động giá (giá cao nhất, giá thấp nhất, giá đóng cửa) trong N ngày.

Ý Nghĩa Của Bollinger Bands

Bollinger Bands là một chỉ báo rất nổi tiếng, được đông đảo trader sử dụng. Khi giá chạm dải BB trên là thị trường đang bị quá mua và giá chạm dải BB dưới là thị trường đang quá bán.

Trong suốt quá trình diễn biến, giá có xu hướng chạy từ dải trên xuống dải dưới và lặp lại.

Bollinger Bands có thể đo lường độ biến động của thị trường, khi thị trường biến động mạnh dải băng sẽ nở ra, khi thị trường ít biến động dải băng sẽ thu lại (hay gọi là thắt cổ chai).

Nếu giá đẩy gần đến đường Bollinger Bands nhưng không chạm là dấu hiệu của thiếu lực đẩy.

Nếu giá vượt qua đường BB giữa (MA20) thì khả năng tiếp cận đường BB trên (hoặc dưới) là rất cao.

Thắt cổ chai: là khái niệm căn bản của Bollinger Bands. Khi hai dải băng trên dưới bó lại, báo hiệu thị trường sắp có biến động mạnh về một trong hai phía. Tuy nhiên Bollinger Bands không thể cho biết thị trường sẽ tăng hay giảm cũng như khi nào sẽ có biến động.

Breakout: 90% thời gian giá sẽ diễn biến nội bên trong hai dải BB trên dưới. Bất kỳ sự phá vỡ (breakout) nào đều tạo ra biến động lớn. Giá cũng có xu hướng bám một dải biên khá lâu trước khi có breakout.

Nếu giá breakout nhưng nhanh chóng rút chân lại vào trong dải với những cây nến pinbar/doji có thể đó là tín hiệu đảo chiều cần phải lưu ý.

Hạn chế

Bollinger Bands không phải là hệ thống giao dịch và càng không phải là tín hiệu để vào lệnh. Dải BB được tạo ra với mục đích đo lường biến động cho trader. Bạn cần kết hợp với các chỉ báo khác như RSI, MACD để đưa ra tín hiệu vào lệnh chính xác nhất.

Do sử dụng đường MA, Bollinger Bands cũng có độ trễ tương tự.

Cách Cài Đặt Bollinger Bands Trên TradingView

Trên TradingView bạn mở cửa sổ Chỉ báo (phím tắt /) rồi gõ vào bollinger bands, chọn mục Dải bằng Bollinger.

Sau khi Bollinger bands đã xuất hiện trên biểu đồ, bạn click phải rồi chọn Cài đặt để có thể chỉnh sửa chu kỳ của đường MA (mục Chiều Dài) hoặc độ lệch chuẩn (StdDev).

Cách Giao Dịch Hiệu Quả Với Bollinger Bands

Trong đa số các trường hợp, Bollinger Bands mang vai trò bổ trợ cho những quyết định phân tích kỹ thuật của bạn. Những chiến lược giao dịch chỉ sử dụng Bollinger Bands dưới đây mang tính chất tham khảo, khó áp dụng ngoài thực tế.

Giao dịch trong kênh giá Bollinger Bands

Dải Bollinger với hai dải BB trên và dưới có thể xem như là kháng cự và hỗ trợ. Giá sẽ có xu hướng đi ở giữa hai dải này. Ta hãy tận dùng điều này để có thể vào lệnh trong ngắn hạn.

Tuy nhiên phương pháp chỉ sự dụng Bollinger Bands là không an toàn và thiếu hợp lý. Thứ nhất, dải Bollinger Bands có độ trễ. Thứ hai, khi giá chạm dải băng sẽ có thể phá vỡ và tạo thành một xu hướng mới. Và thứ ba, trong thị trường xu hướng mạnh, giá sẽ thường xuyên bám một dải băng, không thể tìm điểm vào lệnh.

Giao Dịch Theo Xu Hướng Sau Breakout

Một phương pháp giao dịch an toàn hơn với Bollinger Bands là chờ đợi xu hướng rồi mới đi theo. Như bạn đã biết, khi dải Bollinger Bands thu hẹp lại thành thắt cổ chai thì thị trường sắp có biến động lớn. Việc của ta bây giờ là chờ đợi phá vỡ và hình thành một xu hướng rõ rệt để đi theo.

Phối Hợp Bollinger Bands, MACD và RSI

Đây là phương pháp khá toàn diện, tỷ lệ thành công cao được nhiều trader chuyên nghiệp áp dụng.

Bollinger Bands, MACD và RSI đều là chỉ báo động lượng và sử dụng những thông số khác nhau. Nếu như BB và MACD được coi là chỉ báo chậm thì RSI lại là chỉ báo sớm. RSI có thể báo trước cho chúng ta khi nào thị trường hết động lực tăng/giảm, MACD/BB thì cho biết biến động lớn sắp tới. Ngoài ra BB còn gợi ý cho bạn điểm vào lệnh, chốt lời và cắt lỗ, điều mà MACD và RSI không làm được.

Các bước để phối hợp BB, MACD, và RSI như sau:

  1. Xác định xu hướng thị trường bằng MACD
  2. Xác định động lực và tìm điểm breakout của RSI
  3. Tìm sự phân kỳ của chart với RSI và MACD
  4. Tìm điểm vào lệnh bằng Bollinger Bands: kiểm tra xem giá có phá vỡ đường MA20 hay phá 2 cạnh BB, BB có thu hẹp lại không…
  5. Dùng BB để tìm điểm cắt lỗ và điểm chốt lời.

Ví dụ 1: vào lệnh khi RSI breakout.

Thị trường Bitcoin ngày 27/7/2021. Lúc đó dải BB hẹp lại, hai đường MACD chạy sát nhau, histogram gần 0 báo hiệu thị trường đang chuẩn bị biến động mạnh. Lúc này ta xem xét RSI để tìm hướng đi sắp tới, ta vẽ trendline và thấy rằng RSI tăng dần và phá vỡ kháng cự, giá cũng giao dịch trên MA20, nhận định thị trường sẽ tăng.

Điểm vào lệnh là ngay khi giá vượt MA20, điểm cắt lỗ là sát gần BB dưới, điểm chốt lời ta thả trôi khi giá liên tục bám BB trên. Nếu giá chui lại vào BB ta có thể chốt lệnh.

Ví dụ 2: vào lệnh khi có phân kỳ.

Thị trường Bitcoin ngày 27/7/2021, xảy ra ngay sau ví dụ 1. Lúc này phân kỳ xuất hiện cùng lúc ở RSI và MACD. Giá tiếp tục tăng nhưng tạo râu nến dài (pinbar) rút vào trong dải BB. Ta nhận định thị trường sẽ giảm từ đây.

Điểm vào lệnh Short tốt nhất là ngay khi RSI bị từ chối bởi kháng cự, hoặc ngay sau cây nến pinbar (theo trade action). Điểm cắt lỗ sẽ ngay ngoài biên trên BB. Điểm chốt lời là ngay khi giá chạm biên dưới BB.

0 Reviews ( 0 out of 0 )

Write a Review

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến Trungvu.net xin gửi về địa chỉ email: trungvux2@trungvu.net; Đường dây nóng: 0969.351.812. hoặc liên hệ