Trong các bài phân tích thị trường của Payvnn, bạn sẽ rất thường gặp các phân tích về tâm lý trader. Với Payvnn, thị trường chính là cuộc chơi về tâm lý con người, và tâm lý ấy dẫn đến các hành vi mua/bán và được vẽ thành các đường giá. Nắm được tâm lý bản thân, tâm lý đám đông là một kỹ năng tối cần thiết nếu muốn sống sót trên thị trường crypto nói chung và tài chính nói riêng.

Bài viết này Payvnn sẽ nói về lý thuyết DOW (DOW Theory), nền tảng cho các phân tích kỹ thuật. Ẩn bên trong lý thuyết DOW là các bài học về tâm lý, có thể nói nắm vững tâm lý thị trường thì bạn sẽ hiểu rõ về lý thuyết DOW và ngược lại.

Tóm gọn lại như sau: Bản chất con người > Tâm lý đám đông -> Hành vi đám đông -> Xu hướng đám đông -> Đường giá. Lý thuyết DOW sẽ mô hình hóa thành một hệ thống phổ quát và dễ nắm bắt cho bạn.

Lý thuyết DOW là gì?

Lý Thuyết Dow được xuất bản lần đầu thông qua tạp chí The Wall Street Journal, gồm 255 bài viết. Lý thuyết Dow được viết bởi Charles Henry Dow, nhà báo, nhà sáng lập ra tạp chí Wall Street Journal và cũng là người đồng sáng lập ra Dow Jones.

Sau khi Charles Dow mất, những người kế nghiệp ông ở tạp chí Wall Street Journal đã hệ thống hóa và giới thiệu Dow Theory, dựa trên các bài viết của ông. Bản thân ông chưa bao giờ gọi nó là Lý Thuyết Dow hay xem nó là một hệ thống giao dịch.

Charles Dow là người thấu hiểu bản chất của market hơn bất kỳ ai vào thời của ông, và cho tới thời nay cũng khó ai sánh bằng. Là nhà đồng sáng lập của chỉ số Dow Jones, ông đã quan sát và thống kê lại các hướng đi của thị trường và xây dựng nên một bộ khung là nền tảng cho các hệ thống giao dịch ngày nay.

Nhiều phương pháp phân tích kỹ thuật ngày nay được xây dựng dựa trên lý thuyết Dow, trong đó nổi bật nhất chính là Sóng Elliott.

Tại sao một lý thuyết có từ 100 năm trước vẫn còn được sử dụng tới ngày nay? Như đã nói ở trên, ẩn bên trong lý thuyết Dow là bản chất của con người. Mà bản chất của con người sẽ luôn như vậy cho dù 100 năm trước hay 100 năm sau đi chăng nữa. Trong những bài báo của mình, Charles Dow đã rất nhiều lần nhắc đến bản chất cũng như tâm lý của đám đông, Payvnn xin được trích lại và lược dịch cho bạn đọc một đoạn bên dưới.

(bài báo hành văn theo lối cổ nên khi dịch có thể hơi khó hiểu)

Bài báo phát hành ngày 24/4/1899:

Có sự khác nhau rõ rệt giữa bull market tạo ra bởi sự thao túng và bởi đại chúng. Một cái đại diện cho nỗ lực của một nhóm người nhỏ, một cái phản ánh ý thức của cả nước về giá trị. (…) Vào một thời điểm nào đó, một vài ngành công nghiệp sẽ cải thiện, kéo theo các ngành khác. Những người có tiền sẽ bắt đầu đầu tư. Trong khoảng thời gian đó, mọi người đều kiếm được tiền và dần tự tin rằng chỉ cần dám làm là sẽ thành công. Một người không dám bỏ tiền mua chứng khoán của công ty khai thác than nhưng hai năm sau sẽ mua cả mỏ than, với kỳ vọng đáp ứng được nhu cầu lớn của xã hội. Phải mất 2-3 năm để điều này xảy ra, bởi vì hàng triệu người cần phải thử nghiệm trước khi chấp nhận rằng những thay đổi này là có thật.

Bài viết trên cũng có thể áp dụng đến thị trường Bitcoin. Nhiều người cũng mất 2-3 năm để trải nghiệm mới tin rằng Bitcoin đang dần trở thành một yếu tố lớn trong thị trường tài chính. Một người từng nghĩ là Bitcoin lừa đảo có thể bỏ hàng tỷ đồng để mua dàn máy đào Bitcoin 2 năm sau đó.

Lý thuyết Dow không khó hiểu nhưng lại khá trừu tượng. Để thật sự hiểu rõ và dễ dàng áp dụng lý thuyết Dow bạn cần gắn nó với các thực tiễn và liên hệ với bản chất của con người. Dưới đây Payvnn sẽ lần lượt giải thích các nguyên lý của Lý thuyết Dow theo cách dễ hiểu nhất.

KIẾN THỨC CẦN NHỚ

  • Lý thuyết Dow là nền tảng cho mọi phân tích kỹ thuật, ta cần học và thấu hiểu lý thuyết Dow trước khi tiếp tục học các phương pháp khác.
  • Có ba xu hướng thị trường (cấp 1,2, 3), xu hướng chính (cấp 1) sẽ luôn tiếp diễn cho đến khi có đầy đủ tín hiệu cho thấy bị phá vỡ.
  • Xu hướng cấp 1 luôn có ba pha. Trong đó pha 1 là pha khó nhận thấy nhất, pha 2 là an toàn nhất khi giao dịch, pha 3 là rủi ro nhất.
  • Mở rộng của lý thuyết Dow là nguyên lý sóng Elliot, nguyên lý này sẽ giúp ta tìm ra các xu hướng để giao dịch.

Nguyên Lý 1: Thị Trường Phản Ánh Mọi Thứ

Theo lý thuyết DOW, Đường giá phản ánh mọi thông tin đang có trên thị trường. Mọi tin tốt, tin xấu đều đã được phản ánh lên đường giá, cho dù không phải ai cũng biết những tin tức này. Khi tin tức được công bố, giá sẽ tiếp tục thay đổi cho phù hợp với tin mới này.

Mọi sự kiện từ quá khứ, hiện tại, tương lai đều đã được phản ánh lên giá cả, chỉ số của thị trường.

Chỉ có những sự kiện bất ngờ không thể dự báo được như động đất, thiên tai, chiến tranh mới chưa thể hiện trên đường giá. Tuy nhiên, rủi ro các sự kiện đó cũng đã được thể hiện lên giá (trước khi chiến tranh nổ ra giá chứng khoán đã giảm và giá vàng đã tăng lên rồi).

Thị trường luôn phản ánh chính xác tâm lý của trader, từ sự kỳ vọng cho đến nỗi sự hãi.

Nguyên Lý 2: Có Ba Loại Xu Hướng Thị Trường

Theo lý thuyết DOW, Thị trường luôn tồn tại ba loại xu hướng (hay xu thế).

Xu hướng cấp 1: hay còn gọi là xu hướng chính. Có thể là xu hướng tăng hoặc xu hướng giảm, kéo dài một năm hoặc hơn nữa.

Xu hướng cấp 2: là xu hướng phụ nằm trong xu hướng cấp 1, chống lại xu hướng cấp 1. Nếu xu hướng cấp 1 là tăng thì xu hướng 2 sẽ là giảm, và ngược lại. Xu hướng cấp 2 diễn ra trong khoảng ba tuần tới ba tháng. Xu hướng cấp 2 làm gián đoạn quá trình chạy của cấp 1, nhưng tổng quan hướng đi vẫn là xu hướng cấp 1.

Xu hướng cấp 3: xu hướng nhỏ, xu hướng này chỉ diễn ra trong dưới ba tuần. Xu hướng này chủ yếu để gây nhiễu.

Để dễ hiểu ta có thể nhìn vào hình bên dưới (chart lấy từ Bitcoin năm 2017):

Xu hướng của thị trường theo Lý Thuyết Dow

Ảnh dưới ta thấy có 2 Xu hướng Cấp 1 lớn (xu hướng chủ đạo) là tăng và giảm.

Trong xu hướng cấp 1 tăng, sẽ có nhiều xu hướng cấp 2 đi ngược (giảm), nhưng tổng kết cả thị trường vẫn đi lên trong dài hạn, khoảng một năm.

Sau khi tạo đỉnh, Bitcoin đảo chiều nên lúc đó Xu hướng Cấp 1 chủ đạo đổi thành giảm.

Trong xu hướng cấp 1 giảm, sẽ có nhiều xu hướng cấp 2 đi ngược (tăng).

Trong khoảng thời gian đó, có những khoảng thời gian ngắn thị trường đi ngang (sideway), ta coi như đó là xu hướng cấp 3 (xu hướng nhỏ). Xu hướng cấp 3 có thể là tăng/giảm/đi ngang trong thời gian ngắn hơn xu hướng cấp 2.

Đặc điểm của các xu hướng

  • Xu hướng cấp 1 tăng sẽ tạo đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ. Xu hướng cấp 1 giảm sẽ tạo đáy mới thấp hơn đáy cũ.
  • Xu hướng cấp 1 sẽ luôn tiếp diễn cho dù có bao nhiêu xu hướng cấp 2 ngăn cản đi nữa.
  • Xác định được chiều của Xu hướng cấp 1 đã mang tỉ lệ chiến thắng hơn 80%. Trong xu hướng tăng, bạn chỉ nên canh thấp mua lên, chỉ nên long đừng nên short (hay còn gọi là cản tàu). Ngược lại, ở xu hướng giảm, mỗi lần tăng (xu hướng cấp 2) chỉ là tạm thời, rồi thị trường sẽ giảm sâu hơn, ta nên ưu short.

Xu hướng trong cuộc sống

Trong cuộc sống của chúng ta cũng có những xu hướng. Sẽ có những lúc ta thấy công việc làm ăn thuận lợi, gia đình êm ấm, bạn bè vui vẻ (xu hướng cấp 1 tăng). Cho dù lúc đó có những trận cãi vã, bất đồng, hay công việc trục trặc, nhưng tổng kết lại ta vẫn thấy mình ngày càng đi lên trên nấc thang cuộc đời. Trong giai đoạn đó bạn phải nỗ lực hết sức, tận dụng thời gian để tích lũy thật nhiều trước khi đảo chiều đi vào xu hướng giảm.

Nếu bạn làm ngành du lịch, đại dịch covid đã biến cuộc đời của bạn thành một xu hướng cấp 1 giảm dài vài năm. Trong thời gian đó kinh doanh sẽ khó khăn, tiền tài sẽ đi xuống không phanh, cho dù đôi lúc tưởng như hồi phục (xu hướng cấp 2) nhưng dịch sẽ bùng phát lần hai, lần ba để tiếp tục kéo bạn xuống (xu hướng cấp 1 tiếp diễn). Lúc đó cho dù bạn có nỗ lực hết sức cũng chưa chắc thay đổi được gì, cái bạn cần còn là thời gian.

Bạn nên nhớ: ngoài các yếu tố niềm tin, nỗ lực thì thời gian còn là một yếu tố tối quan trong để đảo chiều xu hướng.

Nguyên Lý 3: Xu Hướng Chính Có Ba Pha (Giai Đoạn)

Theo lý thuyết DOW, thị trường sẽ trải qua ba giai đoạn. Ba giai đoạn của thị trường cũng có thể xem như ba giai đoạn của tâm lý con người. Ở mỗi thị trường sẽ có cách gọi khác nhau.

Ở thị trường tăng (uptrend):

  • Giai đoạn tích lũy: giai đoạn khởi đầu của uptrend. Khởi đầu khi mọi thứ đang tồi tệ nhất, bởi vì giá đã giảm quá sâu, mọi tin xấu đã ra và không thể tệ hơn được nữa. Sự giảm rủi ro đã thu hút nhiều người dần mua vào để tích lũy. Giai đoạn này rất khó để nhận ra.
  • Giai đoạn bùng nổ: Giai đoạn này là giai đoạn chính và kéo dài nhất. Khi giá tăng dần bởi có người mua tích lũy, các nhà giao dịch khác cảm nhận thấy rủi ro đã qua và ngày càng nhiều người tham gia mua vào.
  • Giai đoạn quá độ: Ở giai đoạn này thị trường vẫn đang rất máu lửa, giá đã tăng mạnh nhưng kỳ vọng vẫn còn ở mức cao. Nhưng những dòng tiền ban đầu đã giảm tỷ trọng sau khi bán ra dần. Những người chậm chân nhất và chần chừ nhất sẽ nhảy vào ở giai đoạn này. Đó là lúc mẹ bạn mua Bitcoin, bà hàng xóm, bà bán rau cũng nói về Bitcoin. Những cây nến xanh dài, tăng x2 trong vài ngày sẽ gặp ở giai đoạn này.

Về mặt tâm lý ta có thể gọi từng giai đoạn là (1) Trấn tĩnh -> (2) Niềm tin -> (3) Hy vọng.

Ở thị trường giảm (downtrend):

  • Giai đoạn phân phối: giai đoạn đầu trong downtrend, giai đoạn này người ta sẽ dần bán bớt coin của họ. Trái ngược với giai đoạn tích lũy của uptrend. Giai đoạn này mọi thứ vẫn khá triển vọng đợi chờ một chu kỳ tăng mới. Người mua ở giai đoạn này sẽ là những người tham gia cuối cùng hoặc những người đã chốt lời nhưng mua lại (để rồi đều sẽ đu đỉnh). Giai đoạn này cũng khó nhận ra bởi vì nó trông như một xu hướng phụ cho đến khi đáy mới được xác nhận thì đã muộn.
  • Giai đoạn sụp đổ: khi tin xấu dần rõ ràng thì đám đông sẽ tranh nhau bán ra và người mua lại ít dần đi. Chênh lệch cung cầu dẫn tới giá giảm mạnh, downtrend được xác nhận.
  • Giai đoạn tuyệt vọng: những người cứng cỏi nhất cũng bỏ cuộc và rời vào trạng thái tuyệt vọng, họ sẽ panic sell và sẽ có những cú rớt giá thảm hại. Nhưng ngay khi họ bán hết, giai đoạn tích lũy dần hình thành và xu hướng tăng chính sẽ trở lại.

Về mặt tâm lý, ta có thể gọi là (1) Hy vong -> (2) Nghi ngờ -> (3) Hoảng sợ.

Thị trường sẽ trở thành một vòng lập tiếp diễn với các giai đoạn như vậy.

Xem ảnh để thấy rõ hơn từng giai đoạn (chart lấy từ Bitcoin năm 2017):

Các giai đoạn của thị trường theo Lý Thuyết Dow

Nguyên Lý 4: Các Chỉ Số Phải Xác Nhận Cho Nhau

Theo lý thuyết Dow, để xu hướng được hình thành, các chỉ số hoặc thuật toán trung bình phải xác nhận cho nhau. Nghĩa là các tín hiệu dựa trên chỉ số này cũng phải khớp với các tín hiệu của chỉ số khác.

Charles Dow ban đầu sử dụng hai chỉ số là DJIA (chỉ số trung bình công nghiệp) và DJTA (chỉ số trung bình vận tải) để xác nhận lẫn nhau.

Khi và chỉ khi hai chỉ số này xác nhận cùng một xu hướng thì xu hướng đó mới hình thành.

Nguyên Lý 5: Khối Lượng Phải Xác Nhận Xu Hướng

Khối lượng phải đi cùng với xu hướng để xác nhận cho xu hướng. Ví dụ ở uptrend thì khối lượng giao dịch cũng phải tăng dần ở xu hướng cấp 1 và giảm ở xu hướng cấp 2. Nếu thị trường đang tăng nhưng có đợt điều chỉnh với khối lượng lớn, đó có thể là dấu hiệu đảo chiều.

Nguyên Lý 6: Xu Hướng Sẽ Tiếp Tục Tới Khi Có Dấu Hiệu Đảo Chiều

Nguyên lý cuối cùng của Lý Thuyết Dow phát biểu rằng: Xu hướng chính sẽ tiếp tục cho đến khi và chỉ khi có dấu hiệu đảo chiều rõ ràng. Tại sao lại phải phát biểu như vậy? Bởi rất khó để biết đâu là xu hướng chính mới hoặc đó chỉ là xu hướng cấp 2. Xu hướng có thể tiếp tục lâu hơn bạn nghĩ, đó là lý do bạn phải chắc chắn trước khi quyết định giao dịch ngược xu hướng hiện tại.

Lý Thuyết DOW trong thị trường hiện đại

Bản chất con người là không đổi. Internet khiến lý thuyết Dow thêm phần thuyết phục bởi vì đám đông dễ dàng kết nối và thực hiện hành vi cùng với nhau, khiến mọi thứ luôn rõ ràng hơn.

Nguyên lý số 1, 2, 3 thể hiện rõ bản chất của con người. Trong khi nguyên lý số 4, 5, 6 khiến bạn cẩn trọng hơn trong việc đánh giá, áp dụng nguyên lý 1, 2, 3.

Lý thuyết Dow không chỉ là nền tảng trong phân tích kỹ thuật mà còn là nền tảng cho cuộc sống. Bạn dừng xem lý thuyết Dow như một phương pháp phân tích kỹ thuật mà hãy xem nó như những bài học trong cuộc sống, do một người sống lâu hơn đã tích lũy và truyền đạt lại. Đó cũng là cái duyên, là phúc phần của bạn khi đến với Payvnn, đến với Lý thuyết Dow./.

0 Reviews ( 0 out of 0 )

Write a Review

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến Trungvu.net xin gửi về địa chỉ email: trungvux2@trungvu.net; Đường dây nóng: 0969.351.812. hoặc liên hệ