Biểu đồ nến là nền tảng của việc phân tích kỹ thuật hiện đại. Ở bài viết này, chúng ta sẽ học cách tận dụng tối đa thông tin trên biểu đồ nến để dự đoán hướng đi của giá. Phương pháp đó gọi là “Price Action”.

Price Action là gì?

Price Action hay tên Tiếng Việt là “Hành động giá” là phương pháp nền tảng cho phân tích kỹ thuật. Với Price Action, ta chỉ quan tâm đến giá cả và các diễn biến của giá, từ đó đưa ra nhận định thị trường.

Phương pháp Price Action sử dụng mô hình nến là chủ yếu, và không cần quan tâm đến các chỉ báo như đường MA, RSI hay Stochastic.

Price Action đòi hỏi bạn phải có tư duy phân tích tâm lý thị trường, kèm theo kiến thức đọc biểu đồ để đưa ra nhận định cho thị trường. Một khi đã làm quen, Price Action sẽ là một phương pháp không thể không có trong hệ thống giao dịch của bạn.

Ảnh 1: màn hình giao dịch của một trader bình thường, kết hợp hỗ trợ, MACD và RSI.

Ảnh 1: Giao dịch kết hợp trendline, RSI và MACD

Ảnh 2: màn hình giao dịch của một trader Price Action đơn thuần, chỉ sử dụng trendline, hỗ trợ/kháng cự.

Ảnh 2: phân tích bằng Price Action

KIẾN THỨC CẦN NHỚ

  • Price Action chủ yếu dựa vào diễn biến của giá cả thị trường trên biểu đồ.
  • Kết hợp nhiều góc nhìn khác nhau để nhận rõ xu hướng hơn bằng Price Action.
  • Các mô cụm hình nến và hình mẫu biểu đồ đều có nguồn gốc từ Price Action.
  • Các chỉ báo như MA, RSI cũng tính toán thông số dựa trên Price Action, nhưng được thể hiện theo một cách khác để trader dễ nắm bắt hơn.

Ý Nghĩa Của Price Action

Price Action có thể sử dụng cho mọi thị trường, mọi thời điểm mà không cần quan tâm tới các thông tin khác. Nhờ vậy Price Action sẽ phản ứng kịp với các thay đổi của thị trường mà không có độ trễ như chỉ báo.

Price Action hiệu quả nhất ở khung thời gian ngắn hạn và trung hạn, nhưng không phải vì vậy mà bạn không thể sử dụng Price Action trong dài hạn.

Price Action có chung triết lý với Lý Thuyết Dow, nghĩa là mọi tác nhân trên thị trường đều được phản ánh trên đường giá. Tâm lý của người mua kẻ bán, tin tức tốt xấu, hiện tại quá khứ tương lai đều đã biểu hiện lên giá dưới hình ảnh những cây nến xanh đỏ.

Việc của người phân tích là nhìn vào đó, tìm ra phe nào đang thắng thế, xu hướng nào là chủ đạo để đi theo.

Mô hình nến được sử dụng phổ biến nhất trong Price Action vì một cây nến thể hiện được 4 loại giá: giá mở cửa, giá đóng cửa, giá cao nhất và giá thấp nhất. Các mô hình cụm nến như harami cross, nến nhấn chìm, cụm nến sao băng là kết quả của việc diễn dịch theo Price Action.

Ngoài các cụm nến, các phân tích còn sử dụng các hình mẫu lớn hơn, rộng hơn, trông có vẻ ngẫu nhiên nhưng lại có thể biểu hiện cho một breakout tiềm năng. Ví dụ như các mô hình dạng cờ tăng, mô hình cái nêm, mô hình tam giác tăng dần… là như vậy.

Ảnh: mô hình Vai-Đầu-Vai dùng trong phương pháp price action để dự đoán hướng đi của giá.

★ Hạn chế của Price Action

Mọi nhận định đến từ Price Action đều khá chủ quan, và còn tùy thuộc vào góc nhìn của người phân tích. Price Action cũng có những kết quả khác nhau khi nhìn ở khung thời gian khác nhau. Phân tích nhiều khung thời gian và kết hợp với các chỉ báo khác nhằm xác nhận cho phân tích Price Action của bạn là điều cần thiết.

Cũng như các phương pháp phân tích kỹ thuật khác, Price Action mang tính xác suất, vì vậy hãy đánh giá khả năng và từ đó lên kế hoạch quản lý vốn và quản lý rủi ro trước khi vào lệnh nhé.

Công Cụ Để Giao Dịch Price Action

Công cụ đầu tiên bạn cần sử dụng là một biểu đồ nến, tốt nhất là sử dụng của TradingView hoặc dùng hàng có sẵn của MT4 hoặc sàn giao dịch. Biểu đồ tốt nhất là biểu đồ nến, bạn cần học thuộc khoảng 10 cụm nến báo hiệu đảo chiều hiệu quả nhất (link bài học bên dưới).

Cụm nến nhấn chìm hay được sử dụng trong Price Action

Tiếp theo, bạn cần hiểu rõ về kháng cự / hỗ trợ, đường xu hướng (đã có bài giảng trên Payvnn). Ảnh: kháng cự, hỗ trợ và trendline được sử dụng trong Price Action.

Chart vàng từ năm 2008 tới năm 2011 nằm trong xu hướng tăng, chạy trong 2 đường kháng cự và hỗ trợ.

Khía cạnh quan trọng nhất của Price Action là cảm nhận và tư duy về tâm lý thị trường, từ đó đưa ra nhận định về hành vi mua bán. Bạn hãy học và hiểu rõ bản chất của lý thuyết Dow lẫn nguyên lý sóng Elliott để có thể cảm nhận tốt hơn về tâm lý thị trường được phản ánh qua những đường giá. (Link ở cuối bài).

Lý thuyết Dow ứng với tâm lý thị trường

Và cuối cùng, hãy luyện tập thật nhiều và thử nghiệm (backtest) những dự đoán của bạn với công cụ Phát lại có sẵn trên TradingView.

Các Bước Giao Dịch Với Price Action

Cũng như các phương pháp giao dịch khác, Price Action đòi hỏi bạn cần có một kế hoạch giao dịch bài bản.

Bước 1: xác định xu hướng thị trường, tìm điểm để vào lệnh, bạn hãy tự trả lời các câu hỏi sau:

  • Xu hướng tổng thể của thị trường là gì? Lên, xuống hay đi ngang.
  • Thị trường sắp có biến động chưa? Hãy tìm điểm breakout, đảo chiều…
  • Ta có thể áp dụng mô hình nào cho thị trường hiện tại?

Ở bước này ta mở biểu đồ chart tuần đến chart ngày để nhận định.

Ảnh: Bitcoin tháng 8/2021 đang hình thành cấu trúc Rising Wedge (nêm tăng).

Bước 2: Chờ đợi giá chuyển động và xác nhận lại biến động.

  • Nếu giá breakout khỏi hỗ trợ, sẽ có test lại tại hỗ trợ cũ, hay giá sẽ tiếp tục di chuyển?
  • Giá có bật lại tại hỗ trợ/kháng cự hay không?

Nếu đầy đủ tín hiệu xác nhận, ta mới tiến hành bước 3.

Bước 3: Xác định vùng lợi nhuận khả thi và điểm cắt lỗ. Ta phải đảm bảo rằng điểm cắt lỗ đủ gần để hạn chế số tiền bị mất. Ta cũng cần một tỷ lệ lợi nhuận đủ cao so với mức rủi ro phải chịu.

Ảnh: hai mức lợi nhuận khả thi, xác định bằng hai mức hỗ trợ gần nhất.

Bước 4: vào lệnh, cài đặt sẵn stop-loss. Bạn cũng có thể cài đặt sẵn chốt lời hoặc để thả nổi, quyết định sau, tùy theo tình hình thị trường.

Các Mẫu Nến Quan Trọng Trong Price Action

Ngoài các cụm nến mà Payvnn đã giới thiệu trong bài về Mô hình nến, khi giao dịch bằng Price Action bạn cần nhớ thêm 3 mẫu nến quan trọng sau:

Inside Bar

Mô tả: Inside bar (nến con) là mẫu nến có toàn bộ nến (cả thân và râu nến) nằm bên trong của một nến mẹ (mother bar). Màu nến không quan trọng, hai nến có thể trái màu hoặc cùng màu.

Inside bar là nến trái ngược với cụm nến Engulfing (nhấn chìm), trong đó nếu sau có độ lớn bao phủ hoàn toàn nến trước đó.

Ý nghĩa: nến inside bar thể hiện sự do dự của thị trường. Nến inside bar có biên độ dao động ít hơn nến mẹ, cho thấy bên mua và bên bán ít có sự tranh chấp hơn.

Nến mẹ với biên độ dao động lớn, thể hiện phe bán hoặc phe mua đang thắng thế, nến con cho thấy sự chênh lệch này không còn đáng kể, đẩy thị trường vào giai đoạn tích lũy.

Ta cần chú ý những nến phía sau nến inside bar, những nến này sẽ quyết định thị trường di chuyển theo hướng nào sau đó.

Inside bar là mẫu nến đa năng và được vận dụng rất nhiều trong Price Action.

Mô hình nến Inside Bar trong Price Action

Ví dụ

Ảnh dưới được lấy từ chart Bitcoin năm tháng 8/2021. Khi Bitcoin tạo đỉnh ở 50k4 đã xuất hiện mẫu nến Inside bar. Ta cần phải linh hoạt, ở đây nến mẹ có thể có râu, miễn sau toàn bộ nến con (kể cả râu) đều nằm lọt bên trong nến mẹ là được. Cây nến thứ 3 là một cây nến giảm có rút chân nhẹ, nhưng cũng đủ phá vỡ phạm vi nến mẹ để thị trường tiếp tục giảm.

Tương tự, khi Bitocin giảm xuống 48.8k thì xuất hiện mẫu nến Inside Bar tăng bóa hiệu thị trường sẽ đảo chiều sang tăng tạm thời.

Pin Bar

Mô tả: là loại nến có thân nến nhỏ và bóng nến dài gấp nhiều lần thân nến. Nến pinbar không cần phân biệt màu sắc, nếu phân biệt màu sắc ta sẽ có 4 loại pinbar với 4 tên gọi khác nhau (ảnh: hanging man – người treo cổ, hammer – búa, inverted hammer – búa ngược, shooting star – sao băng).

Để nến Pin Bar thật sự là tín hiệu chính xác, phần bóng nến cần phải kéo dài vượt hẳn qua lãnh địa của các nến gần đó.

Ý nghĩa: Pinbar là loại nến đảo chiều đáng tin cậy, bản thân bóng nến thể hiện một sự đảo ngược trong sức mạnh giữa hai bên mua và bán. Thân nến nhỏ, bóng nến dài cho thấy ban đầu có một sự áp đảo rõ rệt từ một phía (bên mua hoặc bên bán), tuy nhiên, càng về sau, phía còn lại đã vùng lên và ép nếp thu hẹp lại trước khi đóng cửa.

Nến Pinbar đảo chiều tăng có thân nến phía trên, bóng nến dài phía dưới, không cần phân biệt màu sắc, thường xuất hiện khi thị trường tạo đáy. Lúc này bên bán do thấy giá quá rẻ nên đã ngừng bán ra, bên mua áp đảo đã đẩy giá lên cao, làm thu nhỏ phần thân nến lại. Thị trường có thể đảo chiều từ giảm sang tăng từ đây.

Nến Pinbar đảo chiều giảm có thân nến phía dưới, bóng nến dài phía trên, không phân biệt màu sắc, thường xuất hiện khi thị trường đang tạo đỉnh. Lúc này giá lên cao khiến bên bán tranh thủ chốt lời, do cung nhiều hơn cầu nên giá đã bị đẩy xuống dưới, tạo thành thân nến nhỏ. Thị trường có thể đảo chiều từ tăng sang giảm ngay sau đó.

Nến Pinbar trong phương pháp giao dịch Price Action

Ví dụ

Ứng dụng vào chart Bitcoin tháng 6/2021. Nến Pin bar là cây nến rất dễ nhận diện khi nó xuất hiện. Bạn cần lưu ý râu nến phải đủ dài và vượt qua phạm vi của những cây nến xung quanh để đảm bảo xác nhận cho tín hiệu đảo chiều.

Fakey

Mô tả
Cụm nến Fakey gồm 2 nến đầu là cụm nến Inside bar, phía sau có thể gồm một hoặc hai nến tạo ra tín hiệu breakout giả.

Fakey với Pinbar: cụm 3 nến, sau 2 nến Inside bar là một nến Pinbar, ban đầu nến này sẽ chạy về một hướng nhưng sẽ nhanh chóng đi về hướng ngược lại và đóng nến.

Fakey không Pinbar: cụm 4 nến,nến thứ ba là một nến breakout giả, sau đó là một nến lớn về hướng ngược lại và phủ định hoàn toàn nến trước đó.

Ý nghĩa
Fakey là mẫu nến tạo tín hiệu giả (hay còn gọi là nến Inside bar false breakout). Sau khi mô hình inside bar được hình thành và phá vỡ bởi cây nến thứ ba, nhưng trước khi đóng nến thì giá đã bị đẩy ngược hoàn toàn theo hướng ngược lại (với trường hợp có pinbar). Hoặc giá tiếp tục cho đến khi cây nến thứ 4 xuất hiện đi theo hướng ngược lại và phủ nhận hoàn toàn nến thứ ba (trường hợp không pinbar).

Mẫu nến Fakey thể hiện rõ bản chất tham lam và nhanh chóng sợ hãi của đám đông. Khi mô hình Inside bar bị phá vỡ bởi cây nến thứ 3 tăng mạnh, đám đông nhanh chóng tham gia mua vào giúp đẩy nến đó tăng vượt hẳn hai nến trước. Lúc này áp lực chốt lời từ các trader mua từ sớm hơn đã đẩy nến theo hướng giảm. Những trader mua vào khi nến vừa breakout vì sợ hãi đã vội vàng bán cắt lỗ hoặc chốt lời (dù lời ít), nhanh chóng biến cây nến xanh thành cây nến đỏ. Ta gọi trường hợp này là fail breakout. Điều tương tự cũng diễn ra với cây nến giảm, nhiều trader đã mua vào và chốt vị thế short của mình đã đẩy nến từ nến đỏ thành nến xanh.

Xu hướng tiếp theo của thị trường là tăng nếu cây nến cuối cùng màu xanh, hoặc giảm nếu cây nến cuối cùng màu đỏ.

Mô hình nến Fakey trong Price Action

Ví dụ:

Ảnh dưới là một ví dụ cho mẫu nến Fakey trong chart Bitcoin tháng 8/2021. Bắt đầu bằng cụm nến Inside bar, nến thứ 3 là nến Pinbar breakout tăng giả, đóng nến giảm nên thị trường tiếp tục giảm trong 5 phiên sau đó.

Các Mô Hình Giá Quan Trọng Trong Price Action

Mô hình giá là các mô hình được tập hợp từ nhiều cây nến trong một khoảng thời gian nhất định, với những kiểu dáng nhất định và cho tỷ lệ chính xác cao.

Nếu như mô hình nến dự đoán được xu hướng ngắn hạn với chỉ vài cây nến thì mô hình giá cho bạn cái nhìn tổng quan hơn, dự đoán được những xu hướng trong dài hạn hơn. Ẩn bên trong các mô hình là cuộc chiến giữa hai bên mua và bán, tâm lý và hành vi của trader đều được phản ánh bên trong.

Có tổng cộng hơn 200.000 mô hình khác nhau đã được các trader phát hiện và chia sẻ. Những mô hình với tỷ lệ chính xác cao nhất sẽ được Payvnn giới thiệu dưới đây.

Mô hình Lá Cờ – Bull Flag và Bear Flag

Mô tả: Mô hình Lá cờ là mô hình tiếp diễn xu hướng. Trong ngắn hạn, giá có thể đi ngược với xu hướng hiện tại nhưng sẽ nhanh chóng tiếp diễn xu hướng lớn. Mô hình có tên lá cờ vì hướng giá di chuyển giống như một lá cờ được gắn trên cột cờ.

Có hai loại mô hình cờ là Cờ tăng (bull flag) và cờ giảm (bear flag).

Yêu cầu: yêu cầu để hình thành mô hình là giá đang chạy theo một xu hướng mạnh, đường giá có độ dốc cao, tạo thành cột cờ. Đoạn giá sau đó có xu hướng ngược lại xu hướng chính, nhưng dao động thấp hơn và nằm trong một kênh giá với hỗ trợ và kháng cự song song, tạo thành phần lá cờ.

Mô hình lá cờ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn trước khi xu hướng chính tiếp tục. Nếu phần lá cờ kéo dài hơn thì sẽ biến thành mô hình Kênh tăng và Kênh giảm.

Diễn giải: Theo lý thuyết Dow, trong một xu hướng cấp 1 mạnh sẽ có xu hướng cấp 2 cản trở sự tiếp diễn xu hướng đó. Mô hình lá cờ này là tiêu biểu cho điều này. Giai đoạn tích lũy ở lá cờ cho thấy sự phân vân giữa bên mua và bên bán. Ở mô hình cờ tăng, bên bán cố chốt lời liên tục nhưng luôn có người mua và đẩy giá lên cao, đến cuối cùng bên mua đã chiến thắng và đưa giá tăng tiếp tục xu hướng.

Mô hình cờ tăng và cờ giảm trong Price Action

Mô Hình Cái Nêm – Rising Wedge và Falling Wedge

Mô tả: Một số trang PTKT gọi đây là mô hình tiếp diễn là chưa đầy đủ. Mô hình cái nêm là mô hình tiếp diễn hoặc đảo ngược xu hướng. Giá sẽ chạy trong một kênh giá hẹp dần, trong đó có một cạnh với độ dốc cao hơn cạnh còn lại, tạo thành hình dáng giống cái nêm chèn cửa.

Có 2 loại mô hình nềm là mô hình nêm tăng (phần đầu hẹp hướng lên trên) và mô hình nềm giảm (phần hẹp hướng xuống dưới).

Hai cạnh của nêm sẽ đóng vai trò là hỗ trợ và kháng cự. Giá sẽ phá về hướng có độ dốc cao hơn, vì độ dốc càng cao thì hỗ trợ/kháng cự đó sẽ càng yếu.

Mô hình Nêm giảm và Nêm tăng trong Price Action

Yêu cầu: cả hai cạnh của nêm cần có độ dốc nhất định, trong đó có một cạnh có độ dốc cao hơn khá nhiều để tạo thành hình cái nêm. Cần phân biệt với mô hình Tam giác (triangle), trong đó có một cạnh nằm ngang.

Cũng cần phân biệt với mô hình cờ đuôi nheo (pennant), ở mô hình đó hai cạnh sẽ có độ dốc trái ngược nhau và tạo thành hình tam giác cân.

Trong mô hình cái nêm, khối lượng giao dịch sẽ giảm dần về phía cuối nêm, và tăng trở lại lúc breakout.

Diễn giải:

Mô hình cái nêm cho thấy sự lưỡng lự của thị trường, khi giá dao động trong một kênh giá hẹp dần. Trong đó có sự chênh lệch về sức mạnh giữa phe mua và phe bán, khiến một cạnh có độ dốc cao hơn cạnh còn lại.

Trong mô hình nêm giảm, phe bán liên tục bán ở những giá thấp dần (cạnh trên dốc xuống), trong khi phe mua luôn mua ở một mức giá ổn định (cạnh dưới dốc nhẹ). Giá bán thấp dần cho thấy sự sợ hãi và tìm cách rời khỏi thị trường của phe bán. Phe mua dần áp đảo và khi phe bán đã hết hàng để bán, sự tham lam của phe mua đã đẩy giá tăng lên.

Ở mô hình này ta cần chú ý hướng của cái nêm (hướng lên hay hướng xuống) chứ không cần chú ý tới xu hướng trước đó của thị trường. Nếu cạnh nào của nêm dốc hơn thì giá sẽ phá về cạnh đó.

Mô Hình Đầu và Vai – Head and Shoulders

Mô tả: mô hình đầu và vai hay tên thông dụng là vai-đầu-vai là mô hình có độ chính xác cao nhất trong các mô hình. Giá sẽ chạy tạo một đỉnh thấp, sau đó là một đỉnh cao hơn, tiếp nối bằng một đỉnh ngang bằng đỉnh đầu tiên. Hình dáng tạo thành trông giống một người với đỉnh đầu và hai vai.

Đảo ngược của mô hình vai-đầu-vai là vai-đầu-vai-ngược, thay vì đỉnh ta sẽ có một đáy cao và hai đáy thấp hơn ở hai bên.

Đường thẳng nối hai đỉnh vai ta gọi là đường cổ (neckline).

Mô hình vai-đầu-vai là mô hình đảo ngược xu hướng điển hình, dấu hiệu rõ nhất khi giá không thể phá được đường cổ và tạo thành phía vai phải.

Yêu cầu: mô hình này khá nhiều biến thể và tùy biến. Ta chỉ cần nhớ hai vai không được cao bằng hoặc hơn so với đầu.

Diễn giải: mô hình với kiểu dáng đối xứng thể hiện sự cân bằng giữa phía mua và bán, bên sợ hãi và bên tham lam. Sau khi tạo đỉnh ở vai trái, bên mua tiếp tục đẩy giá cao hơn tạo thành đỉnh đầu nhưng nhanh chóng trở thành phe bán khi lần lượt chốt lời. Những người mua được giá rẻ ở phía vai trái trở nên sợ hãi và nhanh chóng chốt lời hòa hoặc lỗ nhẹ tạo nên phía vai phải.

Trên đây Payvnn đã giới thiệu các bạn về Price Action và vài phương pháp được sử dụng trong phương pháp giao dịch này. Vốn dĩ khái niệm Price Action rất rộng và rất nhiều kiến thức nên không thể gói gọn trong một bài viết được. Các mô hình trong Price Action là vô số, Payvnn sẽ tuyển chọn và đăng bài viết chi tiết về các mô hình trong các bài viết sau.

0 Reviews ( 0 out of 0 )

Write a Review

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến Trungvu.net xin gửi về địa chỉ email: trungvux2@trungvu.net; Đường dây nóng: 0969.351.812. hoặc liên hệ