Hệ thống Trạm trung chuyển Internet Quốc gia VNIX (Viet Nam National Internet eXchange) do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC)[1] – đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, quản lý, vận hành.
Trạm trung chuyển Internet quốc gia – VNIX là một trong các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu VNNIC
Hoạt động trên nguyên tắc phi lợi nhuận, VNIX được định hình là một trong những hạ tầng trọng yếu của mạng Internet Việt Nam góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn Internet Việt Nam, kết nối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, thúc đẩy sự phát triển Internet Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, VNIX còn là hạ tầng số kết nối các nền tảng số, là giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia như đã được xác định trong Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
MỤC TIÊU, Ý NGHĨA
VNIX được thành lập với mục tiêu ban đầu là công cụ quản lý, điều tiết của nhà nước, tạo ra môi trường trung lập hỗ trợ các doanh nghiệp Internet kết nối với nhau, phát triển Internet tại Việt Nam. Trải qua 18 năm phát triển, ngày nay, trước xu thể phát triển của quốc tế, chuyển đổi số là tất yếu, VNIX cần chuyển mình để đảm đương tốt vai trò trong thời đại mới.
Việc tăng cường kết nối VNIX với vai trò trung lập là một chiến lược quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng, đón đầu xu hướng; sử dụng tài nguyên số làm động lực mới tạo đà phát triển, ưu thế trong cạnh tranh trên trường quốc tế. Để thực hiện được điều này, VNIX tập trung vào các mục tiêu sau:
- Đảm bảo an toàn mạng Internet Việt Nam.
- Thúc đẩy phát triển nội dung trong nước.
- Thúc đẩy chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ mới IPv6.
- Kết nối mạng các cơ quan nhà nước, hệ thống mạng Chính phủ điện tử đem lại dịch vụ tốt nhất cho người dân.
- Từng bước đưa Việt Nam trở thành Trung tâm kết nối khu vực.
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VNIX
VNIX được xây dựng ngay từ trong giai đoạn đầu phát triển Internet tại Việt Nam. Đối tượng kết nối ban đầu chỉ giới hạn trong các doanh nghiệp Internet ISP có giấy phép hạ tầng. Năm 2019, VNIX mở rộng phạm vi hoạt động, cho phép tất cả các mạng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (ISP, ICP, IDC, Cloud, mạng của chính phủ, cơ quan nhà nước, …) có số hiệu mạng (ASN) độc lập và IP do VNNIC cấp phát quản lý được đấu nối VNIX. Loại hình kết nối cũng được mở rộng, bao gồm cả kết nối đa phương và kết nối song phương ngay tại VNIX.
Xuất phát từ 02 thành viên đầu tiên là VNPT và Viettel, đến nay VNIX đã có hơn 30 mạng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia kết nối và gần 50 thành viên điểm kết nối với tổng dung lượng kết nối đạt gần 400 Gbps.
Trải qua 18 năm xây dựng và phát triển, VNIX đã góp phần quan trọng trong việc phát triển Internet ở Việt Nam, nâng cao chất lượng, giảm giá thành dịch vụ kết nối Internet, góp phần đảm bảo an toàn kết nối cho mạng Internet tại Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, Chuyển đổi số là quá trình tất yếu của sự phát triển, VNIX định hình vai trò là một trong những hạ tầng trọng yếu của mạng Internet Việt Nam góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam.
[1] VNNIC (https://vnnic.vn) là đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Với vai trò là NIC quốc gia (National Internet Information Center), VNNIC cung cấp các nền tảng hạ tầng, dịch vụ thiết yếu của mạng Internet Việt Nam (ccTLD: tên miền quốc gia “.vn”; NIR: cung cấp địa chỉ, số hiệu mạng Internet, định tuyến Internet; DNS: đảm bảo truy cập tên miền “.vn”; VNIX: Trạm trung chuyển Internet quốc gia …); đón đầu xu thế phát triển, chuyển đổi Internet thế hệ mới IPv6; định hướng, cung cấp thông tin tin cậy, dịch vụ mới trên nền tài nguyên Internet; kết nối cộng đồng; thúc đẩy phát triển Internet an toàn, ổn định.