Trungvu.net – Sự áp đặt, thậm chí áp chế của phụ huynh chính là một trong những lí do quan trọng khiến trẻ không có đủ dũng khí nói lên suy nghĩ của mình.
Năm 2021, Tổng cục thống kê Việt Nam và UNICEF tại Việt Nam công bố kết quả điều tra thống kê các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ. Cuộc điều tra được thực hiện tại 14,000 hộ gia đình Việt Nam được lựa chọn theo khu vực thành thị và nông thôn. Kết quả cho thấy, cứ 10 trẻ em từ 1 đến 14 tuổi thì có hơn 7 trẻ đã chịu ít nhất một hình thức xử phạt về tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong hộ gia đình trong 1 tháng trước cuộc điều tra. Trẻ em trai có nhiều khả năng bị xử phạt bạo lực nhiều hơn trẻ em gái, cả về thể xác và tâm lý.
Chủ đề của Góc nhìn văn hóa lên sóng ngày 9/4 là “Để trẻ em sẵn sàng lên tiến”, lên tiếng về những vấn đề mà các em quan tâm, các em mong muốn và các em không muốn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trẻ thường xuyên bị trách mắng, dọa nạt, bị đánh có xu hướng thiếu tự tin hơn là những trẻ khác. Bởi chúng cho rằng mình luôn sai, luôn thất bại, luôn kém cỏi nên mới bị cha mẹ xử phạt, đánh mắng. Sự áp đặt, thậm chí áp chế của phụ huynh chính là một trong những lí do quan trọng khiến trẻ không có đủ dũng khí nói lên suy nghĩ của mình.
Trẻ con dù còn nhỏ tuổi, non nớt vẫn có thế giới quan và suy nghĩ của riêng mình. Cách nhìn nhận và suy nghĩ của trẻ không nhất thiết phải giống hệt bố mẹ do sự khác biệt về lứa tuổi, nhận thức, tính cách, sở thích. Dù thế nào, cha mẹ trước hết cũng cần tôn trọng và đặt niềm tin vào con, sau khi đã hướng dẫn con một cách tỉ mỉ và kiên nhẫn.
Nhiều ông bố bà mẹ đã ép con từ việc ăn gì, chơi gì, mặc ra sao, đến sau này là chuyện học hành, chuyện chọn nghề nghiệp cho tương lai, chọn bạn, chọn người yêu, chọn vợ… Khi tất cả đều có bàn tay can thiệp, áp đặt của bố mẹ, con lấy đâu ra sự mạnh dạn, tự tin, làm sao có đủ bản lĩnh để dám nói lên suy nghĩ, ước mơ, hoài bão của chính mình? Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả tâm lý lẫn năng lực ra quyết định, năng lực độc lập tự chủ của các con trong tương lai. Vì vậy, cần côn trọng trẻ, khuyến khích trẻ nói ra suy nghĩ của chính mình, bộc lộ bản thân một cách thoải, tự nhiên.
“Tôi từng làm việc với nhiều lứa tuổi. Tôi nhận thấy sự tự tin đã nằm sẵn trong bản thân các con, nhất là các bạn ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, các bạn rất tự tin. Nhưng đến cấp 2 và cấp 3, sự tự tin dường như đã đi đâu mất rồi. Tôi nghĩ do quá trình học tập trên lớp, bạn nào giơ tay thì có ý kiến phát biểu, còn bạn nào không giơ tay thì sẽ ngầm hiểu bạn ấy không có ý kiến. Dần dần, các bạn mất đi sự tự tin vốn có của mình. Tôi nghĩ sự tự tin, tiếng nói các con dám bày tỏ khi các con không sợ sai”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Hưng chia sẻ.
Không chỉ chịu sự tác động của yếu tố tâm lý, sự tự tin trong mỗi đứa trẻ còn được trau dồi bởi quá trình giáo dục nhận thức, bồi dưỡng tri thức và rèn giũa các kỹ năng. Giáo dục nhận thức về giá trị bản thân. Bồi dưỡng tri thức để có thể trình bày và bảo vệ lý lẽ của mình trước mọi người. Kỹ năng để có thể biểu đạt những suy nghĩ, cảm xúc, vấn đề mình muốn nói một cách tường minh, hiệu quả nhất. Những năm gần đây, các trường học đều chú trọng đến việc trau dồi những yếu tố này cho trẻ. Đó là lí do nhiều hoạt động trải nghiệm được tổ chức, những sân chơi trí tuệ được tạo nên nhằm lôi cuốn trẻ vào các hoạt động bộc lộ bản thân. Chẳng hạn như các cuộc thi tranh biện, sẽ giúp kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phản biện và kỹ năng thuyết trình được rèn luyện. Nhờ đó, trẻ có thể đưa ra các lập luận và bảo vệ lý lẽ của mình một cách rõ ràng.
“Một trong những điều khiến các con tự tin hơn khi chia sẻ quan điểm của mình là chấp nhận và không phán xét. Mình cũng không có sự so sánh giữa bạn nọ và bạn kia. Tôi thấy ở tiểu học có một cải tiến rất hay là các con không còn sự điểm số nữa. Chính việc các con được chấp nhận ý kiến của mình thì các con nói sai cũng không sao, dám bày tỏ những điều đang suy ngẫm..”, chuyên gia Nguyễn Thanh Hưng cho biết.
Có thể thấy, trẻ sẽ có được sự tự tin khi ý kiến của các em luôn được cha mẹ, thầy cô lắng nghe, ghi nhận một cách nghiêm túc, được khuyến khích, động viên một cách chân thành và phù hợp. Hãy để trẻ độc lập suy nghĩ và tự do phát biểu ý kiến của bản thân, đó là con đường đúng đắn để bồi dưỡng khả năng sáng tạo. Khi tình yêu đủ lớn, chúng ta có thể nhận ra, yêu thương trao cho con không chỉ là sự bảo bọc như ngày thơ bé mà còn phụ thuộc vào việc bạn đủ tỉnh táo để kiềm chế bản năng bảo vệ con, hiểu điều gì sẽ tốt cho trẻ. Sự tự tin của trẻ bắt đầu từ chính bố mẹ.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.