Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, việc xây dựng và tổ chức Nhà hát truyền hình, nhà hát online rất cần thiết để đưa nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhân dân.
Từ khi dịch Covid-19 khởi phát trên thế giới, ở rất nhiều nơi bị “cách ly xã hội” hay bị phong tỏa, đã có những chương trình được thực hiện hoàn toàn không có khán giả trực tiếp, chỉ phát trên các nền tảng kỹ thuật số khác nhau, từ Youtube, Fanpage đến truyền hình. Đây là cách thức duy nhất để có thể mang các chương trình đến tận nhà khán giả, khi họ không thể đến rạp hát để thưởng thức. Đồng thời đó cũng là một phong trào thể hiện sự kết nối của các nghệ sĩ khi muốn đưa nghệ thuật đồng hành với công chúng trong cuộc chiến chống Covid-19, và như thế, các chương trình “nhà hát online” chứa đựng những thông điệp đẹp đẽ về sự kiên cường của nghệ thuật giữa dịch bệnh. Đã có nhiều chương trình mang tính kết nối giữa các nghệ sĩ, được phát trực tuyến trên Yotube để phục vụ khán giả đã để lại những ấn tượng đẹp. Xa hơn nữa, hình thức phát trực tuyến trên các nền tảng kỹ thuật số như Facebook, Fanpage, Youtube hoàn toàn không có gì mới kể từ khi truyền thông xã hội bùng nổ.
Trước đây, vào khoảng thời gian 2005-2006, Chương trình truyền hình do Ban Văn Nghệ, Đài THVN ban đầu truyền hình trực tiếp từ các Nhà hát nghệ thuật sân khấu truyền thống và hiện đại vào tối thứ 7 cuối tháng. Khi lên sóng, chương trình nhận được sự quan tâm các đơn vị nghệ thuật sân khấu và khán giả cả nước. Do điều kiện khách quan, sau hơn 1 năm phát sóng trực tiếp, chương trình truyền hình đã chuyển sang ghi hình tường thuật và phát sóng vào 14h10 các ngày chủ nhật cuối tháng.
Kể từ đó đến nay, chương trình duy trì mỗi tháng một vở diễn sân khấu ở các thể loại: tuồng, chèo, cải lương, ca kịch, hát bội, múa rối, nhạc kịch…Chương trình Nhà hát Truyền hình là cầu nối giữa các nghệ sĩ sân khấu với khán giả, giúp khán giả hiểu hơn những tinh hoa của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại.
Các vở diễn sân khấu phát sóng trên TH đều mang tính giáo dục cao và tinh thần nhân văn sâu sắc. Các vở diễn mang hơi thở hiện đại, cho khán giả cái nhìn chân thật về cuộc sống hôm nay. Đài THVN là đơn vị truyền thông đã tạo cơ hội cho những khán giả không có điều kiện đến các nhà hát để thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật sân khấu, góp phần giúp các nhà hát , các nghệ sĩ quảng bá rộng rãi nét hay, nét đẹp của nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
Quay lại với thực tế, gần hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các đơn vị NTBD không thể tổ chức biểu diễn, đồng nghĩa không có doanh thu. Lãnh đạo các nhà hát phải gồng mình lo cho các khoản chi trả nội bộ, vừa phải tìm hướng hoạt động để nghệ sĩ duy trì tiếp cận, tương tác với khán giả.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn của các đơn vị và bảo đảm an toàn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Cục NTBD (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch-VHTTDL) đã xây dựng kênh NTBD Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc vào năm 2020. Hình thức phát trực tuyến này đã giúp nghệ sĩ và khán giả cả nước cùng cập nhật mọi thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp mà không cần phải tới xem trực tiếp.
Từ hiệu quả này, tháng 6-2021, Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo triển khai hình thức thu phát, ghi hình các chương trình nghệ thuật đặc sắc để phát online và trên các kênh truyền hình. Cục NTBD đã làm việc với các nhà hát trực thuộc Bộ lựa chọn những tác phẩm nghệ thuật chất lượng để ghi hình phát sóng trên các kênh truyền hình. Bộ VHTTDL cũng đã có những cuộc trao đổi làm việc, đề nghị một số đài truyền hình, như: Đài Truyền hình Việt Nam, VOV và một số đài phát thanh-truyền hình tỉnh, thành phố…phối hợp phát sóng các chương trình biểu diễn của các nhà hát và nhận được sự đồng tình ủng hộ. Cơ quan quản lý ngành sẽ chịu trách nhiệm về phần lựa chọn cung cấp những chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, phía các đài truyền hình sẽ chịu trách nhiệm biên tập, dàn dựng các chương trình nghệ thuật này để phát sóng. Dự kiến việc đưa các chương trình lên sóng sẽ được thực hiện từ tháng 7, ví dụ vở tuồng “Trung thần” của Nhà hát Tuồng Việt Nam, chương trình nghệ thuật “Những ngôi sao bất tử” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc... Kể cả khi điều kiện cho phép các hoạt động biểu diễn trực tiếp trở lại, việc tổ chức phát sóng chương trình trên truyền hình vẫn được duy trì. Các nhà hát sẽ làm chương trình song song cả online lẫn diễn trực tiếp; trong đó diễn trực tiếp các chương trình mới, còn chương trình cũ hơn thì đưa online.
Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong dập dịch cho nên những người làm nghệ thuật biểu diễn hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng tình trạng “bình thường mới” sẽ nhanh chóng được thiết lập. Tuy nhiên, việc khán giả tìm đến với các Nhà hát là điều khó có thể xảy ra, một phần do tâm lý vẫn e ngại, một phần do kinh tế bị ảnh hưởng sau dịch. Do đó, để không làm gián đoạn dòng chảy nghệ thuật biểu diễn nước nhà, cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời để những người làm nghề yên tâm cống hiến. Xây dựng nhà hát trực tuyến trên mạng xã hội và truyền hình là xu hướng tất yếu để NTBD phát triển.
Trên thực tế, việc đưa sản phẩm chất lượng lên sóng truyền hình trong thời gian dịch bệnh đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Chất lượng nghệ thuật của sản phẩm được thẩm định từ các khâu kịch bản, thủ pháp dàn dựng, âm nhạc, cảnh trí, diễn xuất… trước khi lên sóng. Theo các nhà chuyên môn, ngôn ngữ truyền hình khác với ngôn ngữ sàn diễn, chất lượng và hiệu quả khó đạt được nếu phát sóng không có bàn tay đạo diễn truyền hình. Lợi thế của lần “ra quân” này là vở diễn của các đơn vị công lập và xã hội hóa sẽ được ghi hình trong khán phòng không có khán giả – vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh vừa có thời gian để chăm chút cho từng cảnh quay. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà hát truyền hình, nhà hát trực tuyến cần phải được tính toán kỹ và phù hợp với thực tế. Về việc này, lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn đã trao đổi, làm việc với các Nhà hát để đưa các chương trình thế mạnh, hợp lý nhất, hấp dẫn nhất, ví dụ có thể đưa các trích đoạn sân khấu của Nhà hát kịch, các trích đoạn của vở Ballet Hồ Thiên Nga, vở nhạc kịch Những người khốn khổ…
Có thể thấu hiểu tâm tư của nhiều nghệ sĩ trong thời gian gần đây khi bỗng nhiên bị “mất nghề” và mất đi những khoảnh khắc thăng hoa bởi nghệ thuật và được sự tán thưởng trực tiếp từ người xem. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà hát trực tuyến trên truyền hình và online không chỉ là giải pháp tình thế khi sân khấu trực tiếp “đóng băng”, mà là xu thế của thời đại mới để nghệ thuật biểu diễn được quảng bá rộng rãi tới mọi đối tượng khán giả. Nhà hát Truyền hình tạo điểm nhấn, tính chuyên nghiệp và sự lan tỏa cho chương trình, vở diễn,. Nhưng hoạt động này cũng đòi hỏi việc luyện tập, biểu diễn của các diễn viên phải bài bản, công phu, chỉn chu và đặt ra cho diễn viên và cả êkíp hậu trường những thách thức, động lực để rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ diễn xuất, cập nhật ứng dụng khoa học công nghệ hơn. Sân khấu truyền hình sẽ tạo nhiều cơ hội để nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo và tạo động lực để các nghệ sĩ, diễn viễn thể hiện niềm đam mê, rèn luyện, nâng cao kỹ năng diễn xuất, cống hiến cho nghệ thuật, cho công chúng trong bối cảnh dịch bệnh do COVID-19.
Dù dịch Covid-19 còn kéo dài hay sẽ sớm được kiểm soát, thì việc đưa các tác phẩm sân khấu lên môi trường kỹ thuật số (bằng cách phát trực tiếp từ Nhà hát hay chỉ là đăng tải các video tác phẩm) để tiếp cận khán giả là con đường tất yếu. Nhưng nó có đem lại hiệu quả, trở thành cứu cánh cho sân khấu trong thời đại 4.0 hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng của chính các chương trình sân khấu đó, sau đó là cách thức quảng bá tới đông đảo công chúng. Nhà hát truyền hình, nhà hát online sẽ không loại trừ nhà hát truyền thống, nhưng nó sẽ tồn tại song song, phục vụ đồng thời cả hai đối tượng: Khán giả trực tiếp đến sân khấu và khán giả qua màn ảnh nhỏ. Bên cạnh đó, để các chương trình truyền hình được phát, “nhà đài” cũng cần cân nhắc để ưu tiên cho những khung giờ đẹp để các chương trình nghệ thuật được lựa chọn phát thực sự đến được với khán giả.
Trần Hướng Dương
Nguồn cucnghethuatbieudien.gov.vn
Ý kiến của bạn
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.