10 năm trước, Katy Perry là một trong những “main pop girls” nổi bật nhất làng nhạc. 10 năm sau, cô hoá “người lạ” trên bản đồ xếp hạng âm nhạc.
Từ “Chứng nhân” trở thành… nạn nhân!
2017, Katy Perry ra mắt “Witness” – album phòng thu thứ 5 và cũng là đỉnh cao cuối cùng của cô tính đến hiện tại. Nhờ hiệu ứng quá lớn từ “Prism” – album ra đời tận ba năm trước, nên doanh số “Witness” vẫn ở mức khá ổn, nhất là khi Katy cùng ekip của mình đầu tư rất lớn vào công tác quảng bá. Theo đó, “Witness” khám phá những phong cách nhạc hiếm thấy ở Katy, vừa gai góc, vừa “tăm tối” và có phần phức tạp hơn. Một số ca khúc được cô chọn trình làng khi đó đều mang ít nhiều thông điệp tiêu cực bao gồm “Chained to the Rhythm”, “Bon Appétit” và “Swish Swish”…
“Chained to the Rhythm” mang chất liệu disco với mid-tempo, ca từ “cạnh khoé” về thế giới con người coi trọng vật chất. “Bon Appétit” thì táo bạo hơn, chọn Eurodisco rất bắt tai nhưng phần hình ảnh đẩy lên tranh cãi dữ dội, chưa kể Katy còn tung ra kế hoạch quảng bá cho single này, cùng “Witness” mang lại hiệu ứng trái chiều. Mặc dù thu hút diện rộng, song các buổi livestream của Katy đã khiến hình ảnh cô trong mắt ngành công nghiệp âm nhạc trở nên méo mó. Katy Perry thay đổi diện mạo, cắt phăng mái tóc đen dài, trang điểm và ăn mặc như một con người khác. Những sự kiện diễn ra từ 2013 đến sau “Witness” liệu đã tác động những gì bên trong Katy và khiến cô khác biệt hoàn toàn, đến độ cả người hâm mộ không kịp nhận ra? Và khó giải thích khi những năm đó, Katy liên tiếp thành công, cô luôn lập kỷ lục về các bản hits phát hành từ “Prism”. Để rồi khi “Bon Appétit” xuất hiện, nó khiến người hâm mộ sốc.
Giai đoạn từ “Prism” đến “Witness” không chỉ có tinh hoá, vật chất và danh tiếng mà còn có những vấn nạn tâm lý mà Katy tiết lộ ở các buổi livestream, và nó khiến truyền thông nháo nhào rằng cô đang bị “bắt nạt” bởi những người quyền lực, ít nhất là có khả năng thao túng ngành giải trí, âm nhạc chẳng hạn. Liền sau đó, hình ảnh Katy Perry trở thành “món ăn”, bị “tra tấn” trên bàn bếp, trong “Bon Appétit” như thể ngầm xác nhận những đồn đoán của báo giới là có cơ sở. Cảnh quay hãi hùng trong “Bon Appétit” tuy được dàn dựng nghệ thuật, không tránh khỏi suy đoán về việc Katy là nạn nhân của ngành công nghiệp âm nhạc, bên cạnh việc ám chỉ phụ nữ trở thành “món đồ” trong cuộc chơi của các đại gia ngầm. Hình ảnh đáng sợ của Katy khi cô hù doạ các vị khách đến bảo tàng Whitney bằng cách chỉ khoe phần đầu của mình trên bàn ăn, đã khiến hiệu ứng tiêu cực về Katy và “Bon Appétit” dâng cao.
Chưa hết, đỉnh điểm là “Swish Swish”, ca khúc mà dù không khẳng định, nhiều tờ báo chính thống khi đó vẫn tiết lộ nó là “cuộc chiến ngầm” giữa Katy Perry và Taylor Swift. Cần nhớ rằng vào thời điểm đó, Katy không hề kém cạnh “công chúa đồng quê”, với lượng fans đông đảo. Taylor từng chia sẻ trên Rolling Stone về việc cô cần né Katy để phòng những xung đột không đáng có, trong khi “Swish Swish” như một lời khiêu khích của Katy dành cho Taylor.
Kể từ sau sự kiện này, sự nghiệp Katy Perry lao dần xuống vực thẳm, đến mức Katy Perry “làm hoà” với Taylor trong một ca khúc nhưng không thể cứu vãn tình thế của cô tại thị trường âm nhạc Bắc Mỹ. Tất nhiên trong giai đoạn này, Katy có mối bận tâm khác, đó là việc kết hôn với tài tử Orlando Bloom; sinh con và chăm sóc gia đình. Song không thể phủ nhận, Katy chưa một lần quay trở lại đỉnh cao sau loạt ồn ào “sở hữu” từ “Witness”. Từ việc biến mình trở thành “nhân chứng” của mặt trái ngành công nghiệp, Katy Perry đã phật lòng những thế lực, và rồi trở thành “nạn nhân” truyền thông.
Định danh
Thất bại của Katy Perry trong những năm qua, đến từ rất nhiều vấn đề. Ngoài câu chuyện truyền thông “thẳng ruột ngựa” về bản chất bên trong con người và ngành giải trí mà Katy đối diện, cô cũng vô tình đánh mất sức hút của một ngôi sao nhạc Pop thực thụ – như cái cách Britney Spears đã từng. Đấy là chưa kể, trong khi những main pop girls khác đang “sống tốt” vì giữ được thế giới nội tâm riêng tư, họ còn “định danh” được hình ảnh của mình trong làng nhạc Pop. Từ Lady GaGa (tiếp cận dòng nhạc hàn lâm hơn) đến Taylor Swift (sự chân thành trong âm nhạc) để cho người hâm mộ thấy được hướng đi nhất quán.
Cách lựa chọn ca khúc hỗn độn của Katy Perry trong “Smile” dường như là cách cô đang loay hoay, “sốt ruột” tìm lại hào quang ngôi sao nhạc Pop hàng đầu bảng nữ, người có những kỷ lục không thua gì ông hoàng nhạc Pop quá cố Michael Jackson (5 ca khúc No.1 Billboard trong một album). Nhưng khi Katy Perry và ekip của cô nhận ra sự thiếu nhất quán trong âm nhạc, liệu họ có đạt đến thành công?
Nhiều người cho rằng Katy Perry lại sai lầm lần nữa khi chọn “Woman’s World” là single mở đầu cho album solo thứ 6 – “143”, phát hành ngày 20 tháng 9 vừa qua. Ca khúc “nữ quyền” với giai điệu không đặc sắc có ca từ hô hào sáo rỗng, như vừa được viết vội 30 phút trước khi phát hành, hoặc “đã từng tồn tại” 20 năm trước bởi sự cũ kĩ của nó. Dr. Luke – người đứng sau “Woman’s World” và cả album “143” có thể cũng là lí do khiến truyền thông và báo chí tiếp tục tẩy chay Katy.
Dr. Luke từng bị Kesha tố cáo tội lạm dụng tình dục, trong khi “Woman’s World” – ca khúc tôn vinh phụ nữ của Dr.Luke lại xuất hiện. Không khó hiểu khi giới chuyên môn hoàn toàn phủ nhận “Woman’s World”. Vì sao Katy và ekip của cô chọn Dr.Luke trong lúc nhà sản xuất âm nhạc này vướng những tranh cãi đời tư? Trên Variety, Katy nói rằng cô coi như Dr.Luke như cộng sự, như người bạn. “Sự thật là, tôi đã viết những bài hát này từ kinh nghiệm của cả cuộc đời tôi khi trải qua sự biến đổi này, và anh ấy là một trong những người giúp tạo điều kiện cho tất cả những điều đó…” Thực tế, Dr. Luke là người đứng sau thành công của Katy Perry từ nhiều năm trước với loạt bài hits như “I Kissed a Girl”, “California Gurls”, “Teenage Dream”,… Trong khi câu chuyện của Dr. Luke và Kesha đã được phán quyết từ 2023, câu chuyện Dr. Luke ảnh hưởng tiêu cực tới Katy Perry như “tàn dư” mà truyền thông Mỹ chưa thể nguôi ngoai.
Nếu như “Woman’s World” không thể phủ sóng một cách tích cực, số phận của “143” gần như cũng bị huỷ hoại theo. Công bằng mà nói, Dr. Luke và loạt cộng sự khác của Katy đã tạo ra sự nhất quán khá lý tưởng cho “143” về mặt cảm nhận khi nghe lần lượt và toàn bộ 11 tracks chính thức, và một bài ca khúc nằm trong phiên bản đặc biệt. Cách lựa chọn dòng nhạc Europop và dance-pop hoàn toàn mang lại một số giai điệu tích cực có thể nhắc đến như “Crush”, “All the Love”, hay “Nirvana”,… Nhưng chỉ bấy nhiêu ca khúc nghe được này, rõ ràng chưa đủ vực dậy tên tuổi Katy, hơn hết là “định vị” lại hình ảnh của cô trong làng nhạc.
Cả ba singles trích từ “143” ngoại trừ “I’m His, He’s Mine” thì đều là những ca khúc tệ nhất album, điều này khiến người hâm mộ Katy tiếc nuối bởi thần tượng của họ đã bỏ mất thời điểm quan trọng để quảng bá album. Câu chuyện này gợi nhớ tới “tai nạn nghề nghiệp” của Christina Aguilera với “Stripped” 20 năm trước, khi Christina cũng phạm sai lầm chọn nhầm ca khúc phát hành, dẫn tới phản ứng trái chiều từ người hâm mộ. May mắn là khi đó, nhờ giọng hát vượt trội cùng nhiều ca khúc thật sự nổi bật, Christina Aguilera đã “sống sót” nhiều năm sau đó.
Hiện tại, số lượng kinh doanh của “143” với khoảng 40,000 đơn vị – con số thấp kỷ lục này khó có thể giúp album lọt vào Top 10 Hot Billboard 200. Tuy được đánh giá có phong cách âm nhạc nhất quán hơn, giai điệu bắt tai và tiết tấu dồn dập hơn, phù hợp ra mắt dịp Hè, nhưng “143” vẫn chịu sự “ghẻ lạnh” từ giới phê bình. Công bằng mà nói, “143” nếu không phải là Katy Perry thì hoàn toàn có thể đạt điểm số trung bình – tiêu chí vừa đủ cho một sản phẩm nhạc Pop thuần tuý. Thế nhưng, nhiều câu chuyện xoay quanh Katy đã khiến cho cô trở thành cái tên bị “phong sát” diện rộng.
“Hàng rào phòng ngự”
Người hâm mộ Katy Perry vẫn ở đó, tuy không “máu lửa” như 10 năm trước song họ đang tích cực để chờ đợi những hướng đi thích hợp của trong tương lai gần, trước khi quá muộn. Có hậu phương vững chắc và gia đình, con cái, Katy vẫn còn người hâm mộ và những người yêu mến cô từ những năm đầu 2010. Chưa kể, VMAs vừa qua đã nỗ lực cổ vũ Katy bằng giải thưởng danh dự Michael Jackson Video Vanguard, cho những cống hiến trong làng nhạc pop suốt một thập niên.
Màn trình diễn của Katy vẫn lôi kéo lượng người xem nhất định mà ở đó, cô hát lại những giai điệu làm nên tên tuổi và nhắc nhớ người hâm mộ trẻ tuổi rằng cô vẫn giữ những kỷ lục khó ai có thể vượt qua. Nếu Katy đủ dũng khí chia tay hãng đĩa Capitol Records để đầu quân cho bất kì hãng đĩa nào khác, có thể nguồn cảm hứng mới sẽ giúp cô thay đổi phong cách nhạc ở chiều hướng tích cực hơn. Những sản phẩm gần đây của Capitol Records cho thấy rõ họ đã bắt đầu “bỏ rơi” Katy trước các hiệu ứng không tốt. Dr. Luke cũng không phải cái tên sản xuất nhạc “hot” nhất hiện nay khi cả năm 2023-2024 các sản phẩm của anh phần lớn đều không được đánh giá cao.
Katy Perry mới đây đăng một bức ảnh có dòng chữ “They don’t build statues of critics” lên mạng xã hội, ngầm ám chỉ sự lạc quan của cô trước làn sóng “vùi dập” của giới chuyên môn đối với “143”. Trước đó, một ca sĩ “quái chiêu” khác là Charli XCX cũng mặc chiếc áo tương tự, tuy nhiên Charli XCX hiện đang là một trong những ca sĩ indie thành công nhất nhì năm nay. Liệu Katy Perry có “lấy vía” thành công, và liệu cô có nghĩ đến những kế hoạch tích cực hơn cho sự nghiệp? Từ một ngôi sao Pop hàng đầu đến sự sụp đổ biểu tượng thương mại hiện tại, tương lai Katy Perry sẽ ra sao?
Đức Noise
Ý kiến của bạn
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.